Từ một nhân viên kỹ thuật đến giám đốc marketing rồi một travel blogger nổi tiếng như bây giờ. Anh có nhớ cơ duyên nào đã đưa anh đến với con đường du lịch?
Điều đưa tôi đến đây ngày hôm nay là một câu chuyện không vui nhưng xét cho cùng lại là điều thay đổi cuộc đời tôi. Khi đó tôi rớt đại học và quyết định rời xa quê để tránh lời ra tiếng vào. Lúc ấy tôi quyết định ra nhà chú mình ở Nha Trang, cứ đi lang thang cho vơi đi nỗi buồn, rồi tôi gặp người này, người kia. Chính những trải nghiệm đặc biệt khi ấy đã thức dậy niềm đam mê du lịch trong tôi. Chuyến đi Nha Trang đó có thể xem là mào đầu cho chuyến phượt Tây Bắc dài ngày của tôi vào năm 2001.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi rời xa vùng an toàn, xa nơi mình sống và biết được Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, bên ngoài có quá nhiều điều tuyệt vời như vậy.
Trên trang cá nhân của anh, không khó để tìm thấy những hình ảnh đẹp, những câu chuyện hay về nơi nhiều người ao ước được đặt chân đến. Nhưng mọi thứ đều phải trả giá tương xứng, cái giá anh phải đánh đổi ở đây là gì?
Có nhiều thứ mọi người không thấy hết được. Nhiều người nghĩ tôi là người may mắn, được đi chỗ này chỗ kia nhiều. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng đằng sau những chuyến đi đó lại là một câu chuyện khác hoàn toàn mà ít người biết đến.
Ví dụ như ngày xưa tôi đi phượt không có nhiều tiền. Mình mua được cái vé xe rồi thuê một phòng giá rẻ ở gần bến xe để ở, có lúc thì ngủ nhờ ở chùa, có lúc xin ngủ với biên phòng, ăn uống qua loa, ăn mì gói là bình thường, đâu phải lúc nào cũng ăn nhà hàng như mọi người thấy. Thậm chí bây giờ cũng thế thôi, tôi hay tìm vào những ngóc ngách trong chợ, ăn uống trong đấy rẻ mà gặp nhiều người, nhiều câu chuyện hay.
Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Khi tôi quyết định theo con đường này, tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Đó là một cuộc sống ổn định với công việc tốt để đối mặt với những gánh nặng dèm pha của xã hội, những lo lắng của gia đình.
Khi tôi quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê của mình, gia đình đã rất lo lắng. Bạn bè bằng tuổi dèm pha: Ôi thằng này, bây nhiêu tuổi rồi sao nó vẫn lông bông. Anh chị em trong nhà đều tự lo được cho mình và phụ giúp gia đình. Mẹ tôi thậm chí còn nghĩ tôi không có khả năng kiếm tiền và nói tôi về quê rồi xin một công việc nào đó làm để sống qua ngày.
Nhưng không, tôi phải làm chủ cuộc đời mình. Tôi nghĩ cuộc đời mỗi người đều có bước ngoặt mà tự mình mới hiểu được ý nghĩa của nó là gì. Vì vậy tôi kiên nhẫn theo đuổi con đường của mình, thậm chí là phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Trên hành trình đã chọn, đã bao giờ anh muốn bỏ cuộc?
Có! Tôi từng thề sống thề chết là không bao giờ phượt nữa. Có những lúc đói rét, ăn rừng ngủ bụi, trèo đèo lội suối, tôi đã tự hỏi: Tại sao mình ngu quá, tại sao mình phải khổ sở như thế này?
Thậm chí có lần tôi suýt bỏ mạng khi leo cột mốc số 42, cột mốc cao thứ hai ở Việt Nam ở độ cao 2.885 m. Trên đỉnh núi cheo leo, tôi cách mặt suối khoảng 7-8 mét, bên dưới là đá lổm ngổm mà trượt tay cái là chết. Chỗ để gác chân chỉ bé bằng lòng bàn tay, người thì mệt, lạnh, lưng đeo balo, đá thì trơn. Khi đang vượt qua đoạn đó thì tôi bị tuột tay. Rất may là ngay lập tức, một anh đi cùng đã kịp chụp lấy tay tôi, ép vào vách đá để tôi không bị tuột xuống. Tôi phải dừng lại vài chục phút để bình tĩnh lại mới có thể đi tiếp.
Tôi vẫn nhớ người đã cứu mạng tôi là anh Ly, người Hà Nhì. Trên suốt hành trình của mình, tôi mang nợ nhiều người. Cũng chính từ đó, tôi mới học được nhiều điều đáng giá trong cuộc đời.
Một khi đã thoát chết, "hoàn hồn" tôi lại đi tiếp. Đến khi chạm tay vào cột mốc chủ quyền của Tổ quốc bạn mới thấy những cảm xúc đặc biệt. Bạn sẽ hiểu một cách sâu sắc rằng yêu Tổ quốc là như thế nào. Đó là những cảm xúc linh thiêng, tự hào chứ không chỉ choáng ngợp, thích thú bởi phong cảnh thiên nhiên. Lúc đó tự dưng bạn lại nhớ về những bài học, những câu chuyện cha ông mình đã dựng nước, giữ nước. Những chuyến đi như thế cứ nối tiếp nhau rồi vun đắp cho đam mê của mình.
Vậy chuyến đi của Ngô Trần Hải An 18 năm trước và của Ngô Trần Hải An bây giờ có gì khác nhau?
Tôi nghĩ, những chuyến đi không chỉ để ngắm cảnh, mà đi để trải nghiệm cuộc đời và tìm về với bản ngã của mình. Khi đã lắng nghe, đã trải nghiệm tôi lại muốn chia sẻ nhiều hơn. Tôi cũng thường xuyên tham gia những buổi trò chuyện, giao lưu với các bạn trẻ đam mê du lịch. Sắp tới, tôi cũng sẽ tham gia Travel Fest 2019 và chia sẻ những câu chuyện của mình.
Còn những đam mê hay cảm giác hồi hộp, hào hứng khi sắp được khám phá những vùng đất mới thì vẫn thế thôi. Nhưng ngày xưa là đi chơi cho thoả đam mê, còn bây giờ những chuyến đi là kết hợp công tác, có những chuyến đi để kiếm tiền, để lo cho gia đình và để nuôi đam mê.
Travel blogger đang là trào lưu mới của giới trẻ, nhiều người xem đó như là một nghề hái ra tiền. Anh nghĩ thế nào về nghề travel blogger?
Với tôi, đừng bao giờ coi Travel Blogger là một nghề, bạn sẽ không ổn định, không sống được với nó đâu. Tôi biết điều này có thể gây tranh cãi nhưng tôi phải khẳng định luôn như vậy. Hôm nay tôi thành travel blogger là cơ duyên chứ không phải cố tập luyện, học theo ai đó mà được. Bạn phải có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống cho mình, để chi trả cho những chuyến đi và đam mê của mình.
Chúng ta không sống một mình, vì còn có người thân. Chúng ta hay nói đi nhiều để trải nghiệm để biết sống yêu thương. Vậy thì bạn hãy yêu thương người nhà của mình trước, phải lo đủ cho họ. Hiện giờ tôi là một travel blogger nhưng tôi vẫn chụp ảnh, làm phóng viên. Hãy cứ là travel blogger nhưng bên cạnh đó hãy tìm cho mình một công việc ổn định.
Trong suốt 18 năm đi phượt, đâu là chuyến đi anh nhớ nhất?
Có rất nhiều chuyến đi đặc biệt và để lại cho tôi nhiều ấn tượng mạnh. Nhưng chuyến đi tôi nhớ nhất vẫn là chuyến đến Triều Tiên vào năm 2017. Một chuyến đi quá đặc biệt, chỉ cần nghe tên thôi bạn đã thấy thú vị rồi. Triều Tiên! Một đất nước bí ẩn, rất ít thông tin được tiết lộ. Đó là chuyến đi mà tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ, nó đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm sâu sắc và có lẽ đó cũng là chuyến đi để đời của tôi cho đến bây giờ.
Anh có nhớ cảm xúc đầu tiên khi đặt chân đến Triều Tiên?
Tôi không biết phải diễn tả nó như thế nào, cảm xúc ấy không thể định nghĩa được. Tức là nếu bạn đã trải qua niềm vui, nỗi buồn thì bạn sẽ biết nó như thế nào. Nhưng Triều Tiên là nơi mình chưa đến bao giờ, cảm xúc lúc ấy rất lạ; đó là sự hồi hộp, lo lắng, ngỡ ngàng, phấn khích, tất cả hoà trộn vào nhau tạo thành một cảm xúc mà tôi không thể nào diễn tả hết được.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh khi đoàn tàu hữu nghị Trung - Triều dừng chân ở Ga Bình Nhưỡng, tôi bước xuống tàu và bắt gặp hai cô gái Triều Tiên đứng đó đón tôi bằng nụ cười nồng ấm. Đó là những hình ảnh cực kỳ ấn tượng mà tôi không bao giờ quên.
Hai năm sau chuyến đi để đời, đến bây giờ điều gì ở Triều Tiên khiến anh nhớ nhất?
Đất nước Triều Tiên khiến tôi ấn tượng với tất cả, từ việc tôi bước ra khỏi nhà ga, gặp những người Triều Tiên như thế nào, nhìn những toà nhà trên phố, sau đó có những cơ hội đi trên những chuyến xe, rồi đi thăm nhà ga tàu điện ngầm dưới lòng đất cho đến những đền, chùa đều rất khác biệt. Nhưng nếu chọn một điều để nhớ nhất có lẽ là hình ảnh về con người Triều Tiên.
Ở đây tôi gặp Kim, hướng dẫn viên xinh đẹp người Triều Tiên. Kim từng có thời gian du học ở Việt Nam và nói tiếng Việt, tiếng Anh rất lưu loát. Tôi nghĩ Kim là một hình mẫu đại diện cho thế hệ người Triều Tiên hiện đại, những người trầm lắng, thông minh, duyên dáng, hiếu khách và hết mực chu đáo.
Trong suốt chuyến đi, Kim kể cho tôi rất nhiều câu chuyện thú vị, nhưng tôi nghĩ chính Kim cũng là một câu chuyện đặc biệt. Bản thân cô ấy toát lên vẻ đẹp của một phụ nữ bí ẩn như chính đất nước Triều Tiên.
Tôi vẫn nhớ mãi đêm hôm ấy, khi Kim dắt tôi đi một quán cà phê đêm ở Triều Tiên. Theo quy định, giờ giới nghiêm của du khách là 18 giờ. Nhưng vì lý do nào đó, Kim bất ngờ thông báo chúng tôi sẽ đi cà phê.
Khi cánh cửa quán cà phê đóng lại, bạn sẽ không thể tưởng tượng được bạn đang ở Triều Tiên mà là ở một thành phố châu Âu với ánh nến, tiếng nhạc dịu dàng vang lên những bài hát kinh điển như Yesterday Once More. Một menu bằng tiếng Anh đầy đủ mọi thứ từ đồ uống phổ biến đến đồ ăn nhanh phong cách châu Âu. Chúng tôi ngồi thưởng thức cà phê trong một không gian lãng mạn không bao giờ tưởng tượng được, lúc đó tôi mới ngỡ ngàng nhận ra mình thật sự không biết gì về Triều Tiên.
Triều Tiên trong hình dung của anh và Triều Tiên sau chuyến đi có khác nhau nhiều không?
Khác rất nhiều. Thật ra một chuyến đi là quá ngắn ngủi để khẳng định mọi thứ. Trước đây tôi có những nhìn nhận phiến diện, một chiều theo thông tin mình tìm được nhưng những gì tôi mắt thấy tai nghe thì khác hoàn toàn.
Tôi thấy ở đấy một Triều Tiên bình yên, con người Triều Tiên chân thật, họ vẫn thích vui chơi, đùa giỡn. Bạn có thể tìm thấy những ngôi chùa cổ kính, thác nước đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Triều Tiên dưới góc nhìn một du khách có rất nhiều điều thú vị.
Tôi đã nhận ra nhiều thông tin tôi biết về Triều Tiên trước đây là không đúng, bây giờ tận mắt thấy mới là chính xác. Có nhiều thông tin nhỏ thú vị như bạn sẽ thấy thủ đô Bình Nhưỡng rất sạch, đẹp. Có một cô cảnh sát xinh đẹp đứng ở ngay bùng binh để điều khiển tất cả phương tiện giao thông chứ không phải hệ thống đèn tín hiệu thường thấy.
Rồi bạn sẽ tò mò muốn biết, tại sao người này lại mặc thế này, tại sao cô kia lại đi nhanh như thế... Và khi bạn tìm hiểu được những thông tin đó, bạn sẽ tìm thấy ở Triều Tiên nhiều câu chuyện thú vị. Vì vậy muốn có một chuyến đi Triều Tiên thật hay, bạn nên tìm hiểu thật nhiều thông tin để có nhiều dữ liệu hơn.
Anh có muốn quay lại Triều Tiên một lần nữa không?
Tôi luôn muốn quay lại Triều Tiên. Tôi khuyên bạn nếu có có dịp, có điều kiện và cơ hội thì hãy đến Triều Tiên một lần trong đời. Đó sẽ là những trải nghiệm đặc biệt mà chỉ bạn mới hiểu được khi đặt chân đến đó.
Thật lòng mà nói, tôi muốn quay lại Triều Tiên ngay lúc này. Tôi nghĩ ở đó đang có những thay đổi rất nhiều sau những cuộc gặp thượng đỉnh. Thông qua những thông tin tôi đọc được, tôi rất muốn có cơ hội được nhìn thấy những thay đổi ấy. Tôi muốn gặp lại những người bạn của tôi ở Triều Tiên, nghe họ kể về những thay đổi trong suốt thời gian qua.
Nội dung: Khương Nha
Video: Trung Kiên
Đồ hoạ: Gia Thuận
(Trích VNE)