Đa phần chúng ta đều có xu hướng đi du lịch tới những nơi nhộn nhịp, đầy đủ tiện nghi, công nghệ hiện đại. Ở đó, chúng ta luôn có thể dễ dàng chụp lại những bức ảnh hoành tráng, rồi sau đó bắt đầu “trăn trở”: “Ảnh này đã đủ đẹp để đăng lên mạng chưa? Giờ này đăng lên mạng có được nhiều “like” không?”... Vậy, trong một chuyến du lịch mà những sự tiện nghi đó đều không tồn tại thì “còn” gì vui?

NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ THIÊN NHIÊN

Khi quyết định đi du lịch tới những nơi hoang sơ, vắng vẻ mà biết chắc là ở đó sẽ khó có các tiện nghi hiện đại, sóng điện thoại hay internet, từ trong tư tưởng tôi đã xác định mình sẽ tập trung hoàn toàn cho thực tại. Vậy là năm giác quan của tôi sẽ được hoạt động tối đa và từ đó, cách nhìn nhận, quan sát một sự vật/sự việc cũng sẽ kĩ lưỡng, tỉ mỉ hơn. Ví như khi tới một hòn đảo hoang, tôi chiêm ngưỡng lâu hơn khung cảnh ở đó, xem xem những tảng đá đó hình thù ra sao, thực vật phong phú như thế nào, nơi đó có gì mới mẻ hay không... Cứ thế mà tôi luôn phát hiện ra những góc cảnh mới lạ, chẳng bao giờ thấy nhàm chán.

059a0151-1659.jpg

Trong một chuyến đi mà không còn vướng víu bởi cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia, hẳn bạn sẽ có thêm vô số thời gian dành để học và trải nghiệm những thứ “thực tế”. Bạn sẽ học cách leo cây nhanh hơn, cách tìm nguồn nước như một người bản địa, hay học được những mẹo thú vị của người dân nơi đó sau khi đã dành nhiều thời gian cũng như sự chân thành để tương tác với họ.

img_8648-01-1702.jpeg

Tôi nhớ những chuyến đi tới biên giới, tới mốc 79 cao nhất Việt Nam, mốc 42 cao thứ hai Việt Nam, tôi ở trong rừng sâu nhiều ngày đằng đẵng. Đó đều là những nơi mà tuyệt nhiên không có mạng, không có sóng điện thoại… Đó cũng là những lúc tôi phải tập trung cao độ để học hỏi. Tôi được người dân tộc La Hủ và bộ đội biên phòng đi cùng hành trình chỉ cho từng loại cỏ, loại nào ăn được, loại nào thì không. Tôi được dạy cách phân biệt loại cây nào là có độc, cách nhìn hướng gió để biết khi nào trời sẽ đổ mưa hay khi hạ trại bên bờ suối phải chọn vị trí như thế nào, khoảng cách từ bờ suối tới nơi hạ trại phải ra sao... Suốt chuyến đi, tôi phải toàn tâm toàn ý lắng nghe và ghi nhớ. Khi hành trình kết thúc, cũng là lúc tôi nhận ra không chỉ cơ thể mình thêm cứng cáp, mà mình còn có thêm vô vàn kiến thức và kỹ năng, còn hiểu thêm nhiều điều đẹp đẽ về thiên nhiên.

PROFILE

Tên đầy đủ: Ngô Trần Hải An
Sinh ngày: 29/10
Quê quán: Bảo Lộc, Lâm Đồng
Sống tại: TP.HCM
Công việc: Từng làm việc trong ngành CNTT. Hiện đang kinh doanh một công ty riêng về hình ảnh, là phóng viên ảnh tại Zing và cộng tác nội dung với nhiều báo, tạp chí về du lịch
Số các quốc gia đã đặt chân tới: Hơn 40 quốc gia từ Á sang Âu và một phần của châu Phi
Dự định từ nay đến hết năm 2019: Khám phá biển đảo Thái Lan, quay lại Hokkaido của Nhật, ghé thăm Nội Mông, Tây Ban Nha & Ý, Singapore, Nam Phi
095a5655-1655.jpg