Lăng tẩm Huế nhìn từ trên cao

Link bài: https://vnexpress.net/lang-tam-hue-nhin-tu-tren-cao-4197302.html

Nhìn từ trên cao du khách thấy được vẻ bề thế, uy nghi của các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... vẫn còn nguyên tới ngày nay.

1.jpg

Travel blogger Quỷ Cốc Tử (tên thật Ngô Trần Hải An) mới thực hiện chùm ảnh về lăng mộ của những vị vua triều Nguyễn, cùng Tử Cấm Thành và Đàn tế Nam Giao ở Huế. Dự án thực hiện nhằm mục đích ghi lại hình ảnh của lăng tẩm các đời vua nhà Nguyễn ở góc độ nhìn từ trên không trung. Bộ ảnh gồm đủ các lăng, ngoại trừ mộ vua Bảo Đại và Hàm Nghi do đều được an táng tại nước ngoài.

Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng nằm ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà cách trung tâm TP Huế khoảng 20 km về phía Tây. Đây là nơi chôn cất vua Gia Long tên húy Nguyễn Phúc Ánh (1762 - 1820) vị vua sáng lập triều Nguyễn Việt Nam và tại vị từ năm 1802 tới khi qua đời. Điều đặc biệt ở lăng Gia Long là trung tâm lăng có mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu, người vợ luôn sát cánh cùng ông qua bao hoạn nạn. Hai mộ đá cạnh nhau thể hiện hình ảnh đẹp của hạnh phúc và chung thủy.

2.jpg

Lăng Minh Mạng hay Hiếu Lăng, nằm ở núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lăng (nơi hợp lưu hai dòng Hữu Trạch, Tả Trạch tạo nên sông Hương) cách TP Huế 12 km. Lăng là nơi chôn cất vua Minh Mạng, tên húy Nguyễn Phúc Đảm (1791 - 1841) ông tại vị từ năm 1820 đến khi qua đời. Công trình này được xây 3 năm (1840 - 1843) và cần tới 10.000 thợ và lính mới hoàn thiện. Lăng được bao bọc bởi màu xanh của cây cối, hồ nước yên tĩnh và núi non vững chãi.

Lang-Thieu-Tri-1-1606358671.jpg

Lăng Thiệu Trị hay Xương Lăng là nơi chôn cất vua Thiệu Trị. Công trình nằm trong quần thể di tích cố đô Huế và đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1993. Lăng nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy cách trung tâm TP Huế khoảng 8 km. Đây là lăng duy nhất quay về hướng Tây Bắc, hướng ít dùng trong kiến trúc lăng tẩm, cung điện thời Nguyễn.

Vua Thiệu Trị tên húy Nguyễn Phúc Miên Tông là con trưởng vua Minh Mạng (1807 - 1847), tại vị 7 năm từ 1841 đến khi mất.

Lang-Tu-Duc-Kien-Phuc-1606359027.jpg

Lăng Tự Đức hay Khiêm Cung nằm trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn.

Vua Tự Đức tên húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829 - 1883) lên ngôi năm 1847 và tại vị 36 năm tới khi mất. Ông là vị vua thứ 4 cũng là người trị vì lâu nhất triều Nguyễn.

Trong khuôn viên lăng Tự Đức còn có lăng mộ Kiến Phúc, vị vua thứ 7 của triều Nguyễn. Kiến Phúc là cháu được vua Tự Đức nhận làm con, lên ngôi vua tháng 12/1883 sau vua Dục Đức và Hiệp Hòa.

Lang-Duc-Duc-Thanh-Thai-Duy-Tan-2-1606358430.jpg

Khuôn viên lăng Dục Đức nhìn từ trên cao. Lăng Dục Đức còn gọi là An Lăng, nơi an táng vua Dục Đức, vị vua thứ 5 của triều Nguyễn. Khu lăng mộ hiện ở phường An Cựu, TP Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2 km. Khuôn viên khu lăng rộng gần 6 ha, gồm lăng vua Dục Đức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Đệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ pháp của vua Dục Đức). Trong đó An Lăng nằm ở trung tâm và rộng 1 ha.

Vua Dục Đức tên húy Nguyễn Phúc Ưng Ái (1852 - 1883) chỉ được tại vị 3 ngày thì bị phế. Sau đó Thành Thái là con vua Dục Đức lên ngôi năm 1889 là vua thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị đến năm 1907, đã xây An Lăng cho cha đàng hoàng. Về sau khu lăng mộ này cũng là nơi an táng vua Thành Thái và vua Duy Tân (vị vua thứ 11).

Lang-Hiep-Hoa-1606358563.jpg

Lăng Hiệp Hòa là nơi an táng vua Hiệp Hòa tên húy Nguyễn Phúc Hồng Dật (1847 - 1883), một trong những vị vua có số phận buồn thảm nhất lịch sử Việt. Mộ của ông từng bị lãng quên trong thời gian rất dài. Hiệp Hòa là con thứ vua Thiệu Trị, ông lên ngôi năm 37 tuổi chỉ tại vị 4 tháng và là vị vua thứ 6 triều Nguyễn. Lăng Hiệp Hòa nằm trong khu rừng thông hoang vắng thuộc phường An Tây, TP Huế.

Sau 130 năm, tháng 8/2013, lăng Hiệp Hòa được người dân trùng tu lại theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Vì công trình mới nên lăng Hiệp Hòa không nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, đồng thời cũng không nhiều du khách biết đến.

Lang-Dong-Khanh-1606358396.jpg

Lăng Đồng Khánh, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh. Công trình nằm giữa một vùng quê nay là thôn Thượng Hai, phường Xuân Thủy, TP Huế.

Vua Đồng Khánh (1864 - 1889) tại vị từ năm 1885 - 1889, tên húy Nguyễn Phúc Ưng Đường là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn. Lăng vua Đồng Khánh mang đến lối kiến trúc phong kiến truyền thống và cả phần ảnh hưởng nét kiến trúc Tây Âu.

Lăng Đồng Khánh hiện cũng là nơi chôn cất phần mộ vua Hàm Nghi (1874 - 1944). Vua Hàm Nghi mất ngày 4/1/1944 trong thời gian lưu đày tại thủ đô Algeria, năm 1965 thi hài được đưa về Pháp chôn cất. Cuối cùng tới năm 2008, thi hài được đưa về an táng tại Huế.

Lang-Khai-Dinh-1606358563.jpg

Lăng Khải Định là nơi chôn cất vua Khải Định, vị vua thứ 12 của Triều Nguyễn, nằm ở xã Thủy Bằng, phương Hương Thủy. Lăng xây từ năm 1920 và kéo dài suốt 11 năm (tới 1931) mới hoàn tất. So với các lăng vua tiền nhiệm lăng Khải Định quy mô khiêm tốn nhưng cực kỳ công phu và tốn thời gian, do sử dụng đồ gốm sứ, thủy tinh, gạch ngói... đều từ nước ngoài chuyển về.

Là vị vua "tân thời" nhất triều Nguyễn nên lăng của vua Khải Định cũng thể hiện rõ ảnh hưởng của những trường phái kiến trúc ngoại quốc như Ấn Độ, Pháp... Bước vào lăng du khách sẽ thấy sự giao thoa của văn hóa Đông Tây, phản ánh sở thích xa hoa của vua lúc sinh thời.

Tu-cam-thanh-1606359028.jpg

Toàn cảnh Tử Cấm Thành nhìn từ phía cột cờ. Đây là trung tâm sinh hoạt hàng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Công trình được khởi xây vào năm 1804 sau đó được các vua triều Nguyễn xây dựng bổ sung nằm ngay trung tâm phường Phú Hậu, TP Huế ngày nay. Trải qua gần 200 năm Tử Cấm Thành ngày nay là điểm du lịch thu hút rất đông du khách.

Te-dan-Nam-Giao-1606359123.jpg

Đàn Nam Giao là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế đất trời vào mùa xuân hàng năm. Công trình nằm ở phường Trường An, TP Huế, được xây vào năm 1806, lần đầu tổ chức tế là năm 1807. Những đàn tế trời của các triều đại trước nay đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn.