Hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống qua khuôn ảnh của Ngô Trần Hải An
Phóng viên kiêm nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An bắt đầu rong ruổi qua hàng chục quốc gia bằng niềm đam mê xê dịch từ năm 2001 đến nay.
Ngô Trần Hải An còn được biết đến với tên gọi Quỷ Cốc Tử. 18 năm trên những cung đường trong và ngoài nước, anh khiến nhiều người trầm trồ với "gia tài" đồ sộ là những chuyến đi. Hải An là người đầu tiên khám phá hàng loạt cung đường phượt mới như mốc biên giới 79 và 42 – hai mốc cao nhất, nhì Đông Dương; điểm cực Đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải... Anh cũng đặt chân đến nhiều miền đất hoang sơ ở New Zealand, Nam Phi, Italy, Anh, Bhutan, Pakistan hay Zambia.
Những chuyến đi của Quỷ Cốc Tử truyền nguồn cảm hứng gần như bất tận cho các bạn trẻ, những người yêu thích du lịch và khám phá.
"Quỷ Cốc Tử" khiến mọi người trầm trồ với thành tích phượt đáng nể.
- Niềm đam mê phượt của anh bắt đầu từ lúc nào?
- Đam mê của tôi là đi, không chỉ có nghĩa là đi du lịch và khám phá, mà còn là để gặp gỡ những con người mới.
Đam mê "đi" bắt nguồn một nỗi buồn trong quá khứ. Hồi đó tôi rớt đại học, muốn né tránh gia đình và người thân do cảm thấy xấu hổ, nên quyết định ra Nha Trang ở nhà của chú trong 2 tháng. Thời gian ấy tôi đi lang thang khắp nơi và gặp gỡ nhiều người để mong vơi đi nỗi buồn. Nhưng không ngờ chính 2 tháng đó đã cho tôi góc nhìn rất mới mẻ về thế giới xung quanh, việc bản thân cần khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Tôi nhận ra: cứ lao đầu vào học đôi khi không phải tất cả, ở thế giới bên ngoài còn có quá nhiều thứ cần học để phát triển.
- Người thân phản ứng ra sao khi anh lựa chọn rong ruổi với những cung đường?
- Ở quê Bảo Lộc của tôi thời điểm đó mọi người đều có quan điểm là phải đi học, ra trường là phải đi làm và kiếm tiền, nên tôi đã cố gắng thi lại và đậu cao đẳng. Nhưng dù đi học rồi sau đó đi làm thì tôi vẫn cứ ham đi. Chiều thứ sáu tan làm, tôi bắt xe đến một nơi nào đó, rồi chiều chủ nhật bắt xe quay về để sáng thứ hai đi làm.
Gia đình, bạn bè thắc mắc tôi đi làm rồi mà sao cứ lông bông nay đây mai đó. Bản thân tôi và cả mẹ đều chịu áp lực từ người thân. Lúc đó, tôi thuyết phục mẹ tôi rằng tôi đang có đi một hướng đi mà sau này tôi tin nó sẽ mang lại nhiều thành quả, từ những góc nhìn mà người khác không thể thấy được. Rất may là mẹ đã ủng hộ. Tôi tiếp tục theo con đường này mà không còn nhiều áp lực quá lớn.
Ngô Trần Hải An trong chuyến đi tại Marốc.
- Ngoài thỏa mãn đam mê việc xê dịch còn giúp gì cho anh trong công việc?- Công việc hiện tại của tôi cũng từ xê dịch. Ngày xưa cứ mỗi lần đi đâu đó tôi đều chụp ảnh. Chụp nhiều mới nhận ra niềm đam mê với nó. Sau mỗi chuyến đi, tôi chia sẻ ảnh mạng xã hội như yahoo, facebook... nên nhiều anh chị báo chí quan tâm có gọi về làm và tôi có cơ hội trở thành phóng viên ảnh như hôm nay.
- Anh làm thế nào để hài hòa thời gian cho công việc và những chuyến đi?
- Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn. Tôi đi làm đều gặp được những người sếp vô cùng tốt. Sếp thấy mình mê đi quá nên rất ưu ái tạo điều kiện cho đi. Cộng lại tổng thời gian các những chuyến đi trong năm có thể tới 2 tháng. Rồi thi thoảng các sếp cho phép tôi nghỉ phép không lương chỉ để xê dịch, miễn sao tôi hoàn thành các công việc được giao. Một điều may mắn nữa là những công việc tôi làm cũng đều có tính chất ‘đi’, bao gồm công việc phóng viên ảnh hiện tại.
"Quỷ Cốc Tử" luôn cố gắng duy trì song song công việc và đam mê.
- Kỷ niệm gì đáng nhớ nhất với anh trong những chuyến đi?
- Chuyến đi chinh phục cột mốc 42 trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc cách đây 5 năm để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Đó là thời điểm rất khó để đi vì phải xin phép đồn biên phòng cũng như cần có lực lượng chức năng đưa đi.
Tôi may mắn được anh Nguyễn Văn Tuất - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu sắp xếp cho đi cùng đoàn 9 người gồm: anh đội trưởng đội phòng chống ma tuý, anh quân y cùng các chiến sỹ dẫn dắt đưa lên cột mốc. Tôi là một trong những người đam mê du lịch đầu tiên được đặt chân lên mốc 42 lên đó.
Mốc 42 ở độ cao lớn nên chúng tôi phải băng rừng, lội suối suốt 4 ngày. Có những đoạn cheo leo qua một vách đá thẳng đứng, chẳng may rớt xuống là chỉ có nước chết. Lúc đó, tôi sơ ý bị trượt chân nhưng may mắn được anh Ly - người dân tộc Hà Nhì và cũng là đội trưởng của đoàn đã kịp chụp lấy tôi. Tôi thoát chết trong gang tấc.
Kỷ niệm ấy tôi sẽ không bao giờ quên. Nó cũng giúp tôi nhận ra một bài học là đừng quá tự tin vào việc mình có bản lĩnh nhiều, mình trải nghiệm nhiều và đủ kinh nghiệm xử lý mọi tình huống.
- Giá trị của lớn nhất mà anh nhận được của việc "đi" là gì?
- Giá trị lớn nhất không phải bạn check-in được bao nhiêu điểm, được bao nhiêu bức ảnh đẹp, mà giá trị nằm ở bản lĩnh.
Ngày xưa, khi tôi làm điều gì đó thường cảm thấy sợ hãi, lung lay, rối loạn và chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng từ những chuyến đi, trải qua nhiều sự cố như xe hỏng đi không được, hoặc như kỷ niệm với mốc 42... đã tôi luyện bản lĩnh trong tôi, giúp tôi bình tĩnh xử lý tất cả mọi thứ với tâm lý vững vàng hơn và có tâm thế "dù trời có sập xuống thì vẫn sẽ có cách giải quyết".
Hơn nữa tôi cũng thích sự tương tác giữa con người với con người, thì những chuyến đi đã giúp tôi ngắm nhìn thế giới xung quanh rộng hơn và cởi mở hơn rất nhiều. Đến giờ tôi thấy mình may mắn vì đã đi được hơn 40 quốc gia, gặp những con người khác nhau, kể cả những bộ tộc mà chỉ còn vài trăm người trên thế giới.
Giờ đây, tôi xem những chuyến đi là mục đích sống, để tìm về những ý nghĩa tận cùng của cuộc sống và trên hành trình đó tôi đã tìm thấy được bản ngã của chính mình.
- Với những chuyến đi dài ngày hành lý anh mang theo là những gì?
- Chuyến đi nào tôi cũng vác trên lưng chiếc balo vài chục kilogram. Ngoài quần áo, đồ sinh hoạt cá nhân thì nhất định phải có 1 body máy ảnh và 3 lens: 1 lens rộng chụp phong cảnh, 1 lens đa dụng chụp street life và 1 lens tele chụp từ xa. Thêm 1 đèn flash, 1 pin sạc dự phòng 20.000mAh, 1 camera hành trình và các thiết bị phụ kiện khác. Tôi cũng mang laptop để có thể xử lý công việc ngay cả lúc di chuyển.
Thế nên nhiều khi vác balo trên lưng là một "cực hình". Đã có lúc tôi cố gắng cân nhắc để bỏ hoặc đổi các phụ kiện giúp balo gọn nhẹ hơn, nhưng máy ảnh và lens thì không thể bỏ hoặc đổi được, chỉ còn laptop có thể linh hoạt. Mới đây tôi đã chuyển sang dùng chiếc laptop LG gram cực mỏng, nhẹ chưa đến 1kg, máy cũng rất bền, phù hợp với tôi trong những chuyến đi nên "gánh nặng trên vai" đã giảm đi phần nào.
Laptop LG gram chính là người bạn đồng hành với "Quỷ Cốc Tử" trên mọi hành trình.
Minh Chi