Theo chân nhiếp ảnh gia, phượt thủ Ngô Trần Hải An (nickname: Quỷ Cốc Tử) khám phá những điều kỳ thú trong hành trình vạn dặm của một trong những travel blogger danh tiếng hiện nay. Trưởng thành từ những cung đường, dấu chân Hải An in khắp các đỉnh núi nổi tiếng phía Bắc, nhiều bãi biển xinh đẹp dọc miền Trung, những hải đảo xa hôi hay bản làng dân tộc, vùng quê yên bình miền Nam… Tiếp tục đi qua hơn 40 quốc gia, đến những vùng đất đầy rẫy hiểm nguy, đối diện với những sự cố khôn lường trên đường đi nhưng Quỷ Cốc Tử vẫn cho là xứng đáng.
Điều gì khiến Quỷ Cốc Tử không dừng bước? Nếu bạn là fan của Quỷ Cốc Tử từ những năm 2001 đến nay sẽ phần nào được lan truyền đam mê du lịch trải nghiệm từ chàng trai xứ Bảo Lộc, Lâm Đồng, người đã quyết tâm tìm ra lý tưởng riêng cho cuộc đời mình.
Như bao thanh niên đồng trang lứa từng một lần trượt Đại học, Hải An từng chán nản tìm cách giải khuây qua những cung đường. Không ngờ những chuyến đi chứa đựng nhiều tâm trạng lúc bấy giờ của Hải An lại là một sự lựa chọn đưa anh đến với thành công cả trong sự nghiệp lẫn tình yêu. Đi lang thang khắp nơi để ổn định tâm lý, Hải An dần khám phá ra mình thực sự là người của những chuyến đi. Để rồi từ đó, anh băng rừng, trèo đèo, lội suối… không ngại sương gió, thách thức nắng mưa để có được những chuyến hành trình tuyệt vời nhất.
Rong ruổi gần 20 năm qua với vô số kỳ tích của người mở đường mà giới “phượt thủ” phải kính nể khi nhắc đến biệt danh Quỷ Cốc Tử, anh lại chia sẻ cho nhiều người hơn. Từ những ký sự đầy tính chân thật mà luôn chứa đựng những câu chuyện bất ngờ cùng vô vàn những điều khó đoán cứ liên tục diễn ra trên mỗi chuyến hành trình của Quỷ Cốc Tử, đã truyền cảm hứng về một thế giới tươi đẹp, gợi mở những chân lý sống tích cực cho mọi người, nhất là các bạn trẻ. Và đã có không ít bước chân “phượt thủ” vẫn đang tiếp bước hành trình mà Quỷ Cốc Tử từng đặt chân đến.
Hải An và Quỷ Cốc Tử, có điểm chung gì đặc biệt của những cái tên này không An?
An tự nhận thấy mình có nhiều điểm giống tính cách nhân vật Quỷ Cốc Tử trong lịch sử cổ đại nên chọn làm nickname cho mình trong giới phượt thủ. An thích mở lối đi riêng, không quá theo chuẩn mực nào.
Bạn tìm kiếm cảm giác gì khi chọn trải nghiệm “phượt” luôn ẩn chứa không ít rủi ro qua những chuyến phiêu lưu, mạo hiểm mà bạn đã đi qua?
Nhiều người định nghĩa “phượt” gắn liền với nguy hiểm, rủi ro rình rập nhưng theo quan điểm của An, phượt chính là cách chúng ta tự khám phá chuyến đi bằng chính tư duy của mình chứ không phải là mạo hiểm đi vào những nơi nguy hiểm thì mới gọi là đi phượt. Theo An ngay cả ở Sài Gòn vẫn có những ngóc ngách mà bạn chưa từng đi tới, chưa từng biết có thể khám phá, tìm hiểu. Đó cũng là một trải nghiệm của phượt.
Nhưng dường như cái tên Quỷ Cốc Tử lại luôn dẫn dắt vào những cung đường vô cùng hiểm nguy mà chưa ai từng khám phá trước đó hay ít khi đặt chân đến?
An đặt mục tiêu khám phá chứ không mạo hiểm. Việc đi nhiều nó thuộc về sở thích của An chứ không phải cố gắng để đi vì mục đích nào khác. Khi An đi nhiều, An lại thích đi những vùng sâu, vùng xa hơn. Cách đây gần 20 năm trước, An là một trong những người đầu tiên lang thang đến những nơi mà ít ai biết đến chỉ vì muốn chinh phục bản thân. Có lúc cũng vô cùng chật vật và từng có ý định bỏ cuộc vì cung đường gian nan hơn An tưởng tượng… An có kể lại trong nhiều ký sự trước đây khi chinh phục Mũi Đôi. Nhưng có lẽ “cơ duyên” gắn bó An với những cung đường. An đi nhiều, nhận được nhiều hơn những giá trị cuộc sống qua mỗi chuyến đi. Do vậy mà An luôn muốn chinh phục những địa danh mới, những vùng đất mới. Có lẽ tính An cũng thích làm cái gì đó mới mẻ. Những gì người khác không làm thì mình lại muốn thử sức. Và may mắn luôn đến với An theo nhiều nghĩa.
An có trải nghiệm nào ấn tượng nhất không?
Mỗi chuyến đi luôn để lại trong An nhiều kỷ niệm. Nhưng có lẽ hành trình Bắc Triều Tiên và Pakistan là những chuyến đi ngoài sức tưởng tượng của An về mọi thứ. Nếu bạn nào từng theo dõi ký sự Bắc Triều Tiên mà An chia sẻ trên các phương tiện truyền thông trước đây thì có lẽ sẽ hình dung ra những khó khăn mà An đã đối diện khi muốn khám phá “điểm nóng” của thế giới.
Riêng chuyến đi đến một điểm nóng khác của thế giới là Pakistan lại cho An những bài học quan trọng đúc kết cho công việc lẫn triết lý sống, làm thay đổi trong An rất nhiều góc nhìn về cuộc sống, giúp An ngộ ra rằng bạn hãy tìm hiểu mọi thứ bằng kiến thức, sự hiểu biết của chính mình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình chứ không phải bằng ai đó dẫn dắt. Điều đó vô cùng quan trọng.
Trước khi đi Pakistan An chuẩn bị rất kỹ. An nhớ mình đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về văn hóa của Pakistan thông qua các tài liệu ít ỏi về quốc gia này. An đọc tác phẩm “3 tách trà” để hiểu xem câu chuyện về con người và cuộc sống nơi đó ra sao. Trong sự chuẩn bị còn có rất nhiều lo lắng trước khi đặt chân đến bởi thời điểm đó nơi đây là vùng đất chiến tranh, hồi giáo và là thủ phủ của khủng bố… Nhưng mọi thứ mà An hình dung trước chuyến đi và những gì An trải nghiệm thật sự trong suốt chuyến đi 24 ngày tại đây lại hoàn toàn trái ngược. Pakistan để lại trong An nhiều cảm xúc nhất về một quốc gia thân thiện, chan hòa… ngay từ khi An đặt chân đến cho tới phút cuối trước khi An rời khỏi cộc mốc biên giới… Hình ảnh người dân hai bên đường, họ thậm chí không quen biết An nhưng luôn nở nụ cười, vẫy tay chào hỏi với thái độ nồng hậu vô cùng. Văn hóa Pakistan vô cùng đặc sắc, đa dạng về tôn giáo, kiến trúc, phong tục… Rất nhiều sự mới mẻ và điều hay An học được trong suốt chuyến đi này.
Có sự nguy hiểm gì trong chuyến đi này không An?
Thực sự mọi thứ không như An nghĩ khi đặt chân đến vùng đất này. Vẫn có những câu chuyện thật mà An được tận tai nghe kể lại từ người dân Pakistan. Điều đó giá trị hơn là những nguy hiểm mà An được theo dõi trên các phương tiện truyền thông. An còn nhớ mình là người may mắn được nghe lại một câu chuyện có thật từ một nhân vật trở về sau cuộc thảm sát của Taliban mà đã được BBC từng đưa tin trước đây. Lúc An đi tới một ngôi làng thu hút rất nhiều nhà leo núi nổi tiếng khắp thế giới tụ hội về đây để chinh phục đỉnh núi nơi đây. An gặp một người địa phương. Anh ấy chính là người thoát chết khi làm tour guide cho một đoàn leo núi mà bị Taliban phục kích và giết chết hết. Anh ấy chứng kiến cuộc thảm sát ấy trước mắt mình và vẫn không quên được hình ảnh ấy. Anh ấy được tha mạng do là người địa phương. Anh cho biết An là người cuối cùng mà anh ấy kể lại câu chuyện đau thương ấy bởi anh không muốn nhắc lại nữa.
Thật ra trên những chuyến đi, trên hành trình, điều ta nghĩ có khi lại nhận những bất ngờ mà nếu ngồi yên một chỗ sẽ không thể tưởng tượng ra được. An đã gặp những con người như thế, cuộc đời, những gì họ trải qua là những điều An có thể học hỏi được ít nhiều từ đó. Đó là giá trị lớn lao nhất vượt lên trên nỗi sợ về sự nguy hiểm khi bắt đầu một chuyến hành trình.
Bạn từng có câu nói truyền cảm hứng về việc nên du lịch khi còn trẻ để 20 năm sau không phải hối tiếc, thông điệp là gì từ kinh nghiệm thực tế của bạn?
Theo An người trẻ nên cho mình một cơ hội để ra ngoài khám phá thế giới để đừng bao giờ bị đóng đinh bởi một tư duy nào. Bởi ở mỗi độ tuổi cảm nhận về chuyến đi về cuộc sống sẽ khác. Ở từng thời điểm, bạn vượt qua được những thách thức của những chuyến hành trình, bạn sẽ có thể nhìn lại để có động lực và tiếp tục với những cái khác. Mọi thứ nên được làm mới mỗi ngày và quan trọng là bạn nên tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Và du lịch hay phượt cho sẽ cho bạn tất cả mọi thứ ấy mà nếu không bạn sẽ hối tiếc khi không có được những trải nghiệm ấy ở giai đoạn khác của cuộc đời.
Và với An chắc hẳn việc gắn bó với những cung đường còn mang lại một công việc tốt cho mình?
An thấy mình may mắn vì vừa được làm công việc yêu thích từ đam mê du lịch khám phá. An được lời mời cộng tác từ nhiều người, các tổng cục du lịch, các hãng hàng không, các nhãn hàng…
Nhờ đi nhiều, gặp gỡ nhiều người trong những chuyến đi mở ra cho An nhiều mối quan hệ, nhận được nhiều cơ hội mới cho công việc mà An yêu thích.
Travel blogger có phải là một nghề hái ra tiền như mọi người vẫn nghĩ không An?
An từng chia sẻ trên trang cá nhân quan điểm rất rõ ràng: travel blogger không phải là một nghề. Với An đơn giản nó là một cơ duyên đến từ niềm đam mê. Đừng ai cố gắng học và tôi luyện kỹ năng để trở thành một travel blogger bởi vì bạn sẽ không sống được với nó, không tạo ra nguồn thu nhập để có thể sống được với nó. Khi sống một mình nay đây mai đó, chi tiêu ít thì có thể sống được với nguồn thu nhập ít ỏi từ nhà tài trợ. Nhưng khi bạn có gia đình, thì travel blogger không đáp ứng được. Theo An nếu đã là nghề thì không thể phụ thuộc ảnh hưởng của người khác. Travel blogger hoàn toàn bị lệ thuộc vào cái duyên của bạn với độc giả. Nếu bạn viết bài hay mà không ai xem thì cũng không có tài trợ, không có những chuyến đi thú vị được… còn bỏ tiền túi ra để làm thì không bao giờ là đủ.
An may mắn vì mình có sẵn đam mê đi, biết chụp hình, kỹ năng viết tốt và chia sẻ được nhiều người thích. Nhất là nhờ có mạng xã hội mở rộng cho An cơ hội này. Nhưng không ai biết trước được vài năm nữa liệu An còn có cơ hội này nữa hay không… Hãy cứ đam mê và được may mắn dẫn dắt và cảm ơn cuộc đời vì bạn được chọn.
Hãy chia sẻ thêm vài bí quyết của An trong vai trò một travel blogger?
Phải chuyên nghiệp trong công việc. Đương nhiên rồi. Nhưng chuyên nghiệp rồi thì phải chân thật, chân thành. Đừng bao giờ nói dối, nói quá lên những chuyến đi của bạn. Nên nói ít về mình và nói nhiều thông tin chuyến đi. Quay cảnh xung quanh để người xem thấy được nhiều thông tin bổ ích. Và hãy làm việc thật chuyên nghiệp.
Ngoài là một travel blogger, công việc chính của An là gì?
An là một nhiếp ảnh gia và hiện đang có một công ty về chụp ảnh. Tương lai An dự tính làm thêm lĩnh vực homestay ở Bảo Lộc, để mời gọi mọi người đến thăm quê hương của An. Đó là một ước mơ lớn An đang ấp ủ. Ngoài ra An nhận review cho các hãng hàng không, tổng cục du lịch, các công ty du lịch…
Bài học giá trị nhất An nhận được từ những hành trình của mình là gì?
Những chuyến đi giúp An bản lĩnh hơn sau khi trải qua những khó khăn. Giao tiếp với mọi người trong những chuyến đi giúp An xây dựng mối quan hệ tốt hơn và phát triển lớn lên. An nhận thấy trong cuộc sống, mọi thứ đều có mối quan hệ và tương hỗ cho nhau.